Tôi hiện đang sống tại quận GH cùng với 2 con ( 1 bé 3 tuổi 9 tháng và 1 bé 10 tháng). Tôi đã có hộ khẩu tại quạn GH, nhà tôi đang sinh sống là nhà vợ chồng tôi mua sau khi chúng tôi làm đám cưới.
Từ khi cưới nhau thì anh ta đã đánh tôi rất nhiều lần. Khi tôi mang bầu đứa con đầu và sinh con, Chồng tôi làm ngoài HN anh ta để mặc mẹ con tôi cho chị em tôi chăm sóc, không quan tâm, thăm nom gì. Gần đây tôi phát hiện anh ta có mối quan hệ bất chính và còn dùng bạo lực với tôi.
Ngoài ra từ lúc sinh đứa thứ 2, anh ta không hề hỗ trợ tiền sinh hoạt cho tôi, toàn bộ tiền sinh hoạt gia đình, tiền học của con… đều do tôi lo. Đứa con đầu và đứa con tôi mới sinh đều do em gái của tôi 1 tay chăm sóc và nuôi dạy lúc tôi đi làm.
Giờ tôi muốn ly hôn và muốn được nuôi 2 đứa con. Nhờ bạn tư vấn giúp tôi làm sao tôi được nuôi 2 đứa con tôi. Tôi cám ơn bạn rất nhiều. Rất mong luật sư hồi âm
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 81 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 quy định về Việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con sau khi ly hôn thì:
"...1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con."
Ngoài ra còn có pháp luật quy định về Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn tại điều 82 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 như sau:
"..1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó."
Như vậy, đối với cháu dưới 1 tuổi thì đương nhiên tòa sẽ giao cho mẹ theo nguyên tắc. Còn trong trường hợp chị muốn giành quyền nuôi 2 cháu thì chị nên trình bày và đưa ra tòa những căn cứ về điều kiện về vật chất bao gồm: Ăn, ở, sinh hoạt, điều kiện học tập… mà mỗi bên dành cho con, yếu tố đó dựa trên thu nhập, tài sản, chỗ ở của cha mẹ;
Các yếu tố về tinh thần bao gồm: Thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con, tình cảm dành cho con, điều kiện cho con vui chơi giải trí, trình độ học vấn… của cha mẹ.
Cùng với những căn cứ trên, chị nên đưa ra những căn cứ về việc người cha thờ ơ, không quan tâm chăm sóc con. Bỏ mặc mọi trách nhiệm nuôi dạy con cho chị. Ngoài ra người cha còn thường xuyên có hành vi bạo lực đối với chị, đó là hành vi đáng lên án và không nên để trẻ tiếp xúc với những hành vi không hay đó. Vấn đề này quy định cụ thể tại Điều 83 Luật HNGĐ năm 2014 về Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:
"1. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 của Luật này; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình...."
Và khi chị giành được quyền trực tiếp nuôi con thì chồng chị có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Mức cấp dưỡng có thể vợ chồng chị tự thỏa thuận, nếu không có thể nhờ tòa giải quyết.
- Dịch Vụ Luật Sư Riêng Cho Tổ Chức, Cá Nhân
- Dịch Vụ Luật Sư Hình Sự Tại Luật Bình Tân
- Dịch Vụ Luật Sư Nội Bộ - Cần Sử Dụng Hay Không?
- Dịch Vụ Luật Sư Uy Tín - Trách Nhiệm
- Nên Sử Dụng Dịch Vụ Luật Sư Thừa Kế Không?
- Dịch Vụ Luật Sư Gia Đình Uy Tín Tại TPHCM
- Dịch Vụ Luật Sư Tư Vấn Ly Hôn Trọn Gói - Uy Tín
- Dịch Vụ Luật Sư Tư Vấn Thuế Cá Nhân & Doanh Nghiệp