Theo đó, điều 74 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định như sau:
"Điều 74. Thời điểm người bào chữa tham gia tố tụng
Người bào chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can.
Trường hợp bắt, tạm giữ người thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc từ khi có quyết định tạm giữ.
Trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền quyết định để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra."
Như vậy, kể cả khi chưa có quyết định khởi tố bị can hoặc quyết định tạm giữ của cơ quan điều tra thì người bào chữa là luật sư được quyền tham gia tố tụng từ khi người phạm tội bị bắt, tạm giữ và được đưa về trụ sở cơ quan điều tra.
Đây là điểm khác biệt của Bộ luật Tố tụng hình sự mới so với quy định hiện hành tại Bộ luật Tố tụng hình sự 2003, cụ thể tại Khoản 1 Điều 58 quy định người bào chữa là luật sư chỉ có thể tham gia bảo vệ quyền lợi cho người phạm tội kể từ khi có quyết định khởi tố bị can. Trường hợp bắt bị can, bị cáo để tạm giam hoặc bắt người trong trường hợp khẩn cấp theo quy định tại Điều 81, 82 thì luật sư tham gia tố tụng từ khi có quyết định tạm giữ.
Do đó, từ ngày 01/01/2018, công dân có quyền mời luật sư tham gia bào chữa cho mình trước khi có quyết định khởi tố bị can hoặc quyết định tạm giữ của cơ quan điều tra nhằm đảm bảo quyền lợi trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự.